Sự nghiệp Đại Thiện

Thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích

Trong các chiến dịch của cha mình chống lại các bộ lạc Ô LạpBối lặc của bộ lạc này là Bố Chiếm Thái năm 1607, Đại Thiện đã có đóng góp nổi bật trân chiến trường với việc giúp đỡ Thư Nhĩ Cáp TềTrử Anh. Do những công lao của ông, ông được ban danh hiệu "Cổ Anh Ba Đồ Lỗ" (tiếng Trung: 古英巴圖魯).

Năm 1613, Đại Thiện một lần nữa lại thể hiện được mình trên chiến trận trong chiến dịch chống lại bộ lạc Ô Lạp của cha.

Năm 1616, khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích xưng làm Đại hãn và lập nên nước Đại Kim, Đại Thiện trở thành một trong bốn "Hòa thạc Bối lặc", xưng là "Đại Bối lặc", là kỳ chủ của Chính Hồng kỳ trong hệ thống Bát kỳ. Ba người còn lại trong Tứ đại Bối lặc là A Mẫn, Mãng Cổ Nhĩ TháiHoàng Thái Cực.

Từ năm 1618, khi bắt đầu các chiến dịch chống lại nhà Minh sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích tuyên bố Thất đại hận, cho đến năm 1622, Đại Thiện là một tướng lĩnh quân sự hàng đầu và năm giữ Chính Hồng kỳ của Bát kỳ, đóng vai trò quan trọng trong cuộc bao vây Phủ Thuận vào năm 1618, trong chiến thắng Tát Nhĩ Hử năm 1619, và chiếm Thẩm Dương năm 1621. Bắt đầu từ năm 1621, Đại Thiện và ba vị Đại Bối lặc khác luân phiên hàng tháng giúp đỡ Nỗ Nhĩ Cáp Xích trong các công việc điều hành nhà nước của Đại Kim.

Trử Anh là con trai trưởng và ban đầu dược Nỗ Nhĩ Cáp Xích lập ngôi vị Quảng Lược Thái tử, xác nhận là người kế vị. Tuy nhiên, do tính tình kiêu ngạo, coi khinh người khác cho nên Trử Anh không được lòng nhiều vị đại thần. Năm 1615, Trử Anh bị năm vị đại thần khai quốc cùng với một số người em vốn có mối bất hòa với Trử Anh, tập trung công kích[1]. Cuối cùng, ông ta bị tố cáo, tống giam và chết trong ngục vào năm 1618. Sau khi thu lại binh quyền của Trử Anh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích phân Hồng kỳ làm hai và giao cho Đại Thiện và con trai ông ta quản lý. Đại Thiện tuy thay anh trai mình giữ ngôi vị Đại Bối lặc, trực tiếp khống chế 2 bộ Hồng kỳ, nhưng vẫn không được Nỗ Nhĩ Cáp Xích lập làm người thừa kế mà chỉ được xem là một Hòa thạc Bối lặc như các vị Hòa thạc khác.

Thời Hoàng Thái Cực

Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích mất sau trận Ninh Viễn năm 1626, Đại Thiện đã sử dụng ảnh hưởng của mình để khiến cho các Hoàng tử và tướng lĩnh đi đến một thỏa thuận về việc Hoàng Thái Cực lên ngôi kế vị. Sau khi lên ngôi Hãn, Hoàng Thái Cực thực hiện thỏa hiệp với Đại Thiện. Trước tiên ông thề ước với tất cả các vị Bối lặc, sau đó ba vị Đại Bối lặc dẫn đầu là Đại Thiện cùng tuyên thệ với các vị Bối lặc. Mỗi khi lên triều, khánh lễ hay tiếp kiến quần thần, ông cùng ba vị Đại Bối lặc cùng ngồi vị trí ngang hàng, cùng hướng mặt phía Nam, nhận lễ của các bồi thần, nghiễm nhiên như là Tứ Hãn, đồng thời ông cũng miễn lễ quân thần cho họ, coi như anh em tương kiến.

Cuối năm 1631, Hoàng Thái Cực tổ chức hội nghị các Bối lặc họp bàn để định việc sắp xếp thứ tự khi chầu triều, nhân đó, Hán thần của Hoàng Thái Cực là Tham chính Lý Bá Long nêu vấn đề có nên có việc Đại Bối lặc ngồi ngang hàng với Đại Hãn hay không. Hiểu được là Đại Hãn muốn thăm dò phản ứng của mình, Đại Thiện ý thức được tình thế bấy giờ khi Hoàng Thái Cực đã hoàn toàn khống chế được 6 Kỳ. Ông ta buộc phải chấp nhận từ bỏ chế độ Ba vị Đại bối lặc cùng ngồi ngang hàng nghị bàn việc triều chính với Đại Hãn. Từ đây, ngôi vị tối cao của Hoàng Thái Cực đã được xác lập.

Tuy nhiên, về thực lực, Đại Thiện vẫn còn nhiều ảnh hưởng trong Bát Kỳ, vẫn nắm quyền khống chế 2 Hồng kỳ, uy tín vẫn phần nào lấn át Đại hãn. Tháng 9 năm 1635, nhân một lỗi nhỏ của Đại Thiện, Hoàng Thái Cực đã họp các Kỳ chủ Bát kỳ và quan lại sáu bộ để định tội Đại Thiện. Ông ta bị tước bỏ ngôi vị Đại Bối lặc, bị thu lại quyền kiểm soát 2 Hồng kỳ. Tuy không mất mạng, nhưng qua sự kiện này, thế lực của Đại Thiện không còn cách nào phục hồi được nữa. Đối thủ lớn cuối cùng của Hoàng Thái Cực đã bị triệt tiêu.

Giữa các năm 1629 và 1634, Đại Thiện tham gia hầu hết các chiến dịch của Hoàng Thái Cực chống lại nhà Minh. Năm 1636, Hoàng Thái Cực lên ngôi Hoàng đế và cải quốc hiệu Đại Kim thành "Thanh". Đại Thiện được phong tước hiệu "Hòa Thạc Lễ Thân vương" (和碩禮親王) và "huynh" (兄).

Thời Thuận Trị

Năm 1643, Hoàng Thái Cực mất trong khi chưa chọn ra người kế vị. Ban đầu Đại Thiện chọn con trai trưởng của Hoàng Thái Cực là Hào Cách làm người kế vị, nhưng Hào Cách đã từ chối. A Tế CáchĐa Đạc muốn Đa Nhĩ Cổn lên ngôi, song Đa Nhĩ Cổn cũng từ chối vì cho rằng đây là hành động không trung thành với Hoàng Thái Cực, người đã đề bạt ông. Vấn đề cuối cùng đã được giải quyết khi nhiều khi các vị tướng từng theo Hoàng Thái Cực chinh chiến tuyến bố rằng họ muốn một người con trai của Hoàng Thái Cực lên ngôi. Do vậy, người con trai thứ 9 của Hoàng Thái Cực là Phúc Lâm (Hoàng đế Thuận Trị tương lai), khi ấy mới sáu tuổi, đã lên ngôi Hoàng đế, Đa Nhĩ Cổn và Tế Nhĩ Cáp Lãng cùng làm Nhiếp chính vương. Tuy vậy, ngay cả sau khi toàn thể triều Thanh đã thề trung thành trong lễ đăng cơ thì vẫn có một số người âm mưu đưa Đa Nhĩ Cổn lên thay thế Phúc Lâm. Đại Thiện giải quyết tranh chấp bằng cách trợ giúp Phúc Lâm và vạch trần những kẻ chủ mưu, trong đó có cả con trai ông là Thạc Thác và cháu nội A Đạt Lễ (con trai cả của Tát Cáp Lân). Đại Thiện đã cho hành quyết cả hai người này.

Qua đời và di sản

Theo các sử sách, dường như Đại Thiện chưa từng cố gắng để giành lấy quyền lực về mình, thay vào đó, ông làm những việc vì lợi ích của gia tộc Ái Tân Giác La. Năm 1643, ông lãnh đạo một hội đồng bao gồm các Hoàng thân bổ nhiệm Tế Nhĩ Cáp Lãng và Đa Nhĩ Cổn làm đồng Nhiếp chính vương của Hoàng đế Thuận Trị. Năm 1644 ông theo Đa Nhĩ Cổn tới Bắc Kinh và mất bốn năm sau đó tại đây.

Tại thời điểm qua đời, ông không được ban một danh hiệu đặc biệt nào, ngoại trừ việc gia đình ông được trao 10.000 lượng thay vì 5.000 như thông thường để tổ chức tang lễ và dựng nơi tưởng nhớ ông. Các Hoàng đế sau đó của nhà Thanh đã công nhận và đánh giá cao các đóng góp mà ông đã làm cho triều đại và Hoàng tộc. Hoàng đế Khang Hi đã ban cho Đại Thiện thụy hiệu "Liệt" (烈) năm 1671. Năm 1778, Hoàng đế Càn Long đã vinh danh ông cùng với Tế Nhĩ Cáp Lãng, Đa Nhĩ Cổn, Hào Cách, và Nhạc Thác với những công lao lẫy lừng của họ trong thời gian đầu của triều đại và lệnh đưa tên họ vào Thái Miếu.

Cùng thời gian đó tước hiệu của năm người này, cùng với Đa Đồ, Thư Nhĩ Cáp Tề và Lặc Khắc Đức Hồn (勒克德渾) sẽ do tử tôn kế thừa vĩnh viễn. Tước hiệu của Đại Thiện sau khi ông mất đã thay đổi hai lần dưới thời con trai Mãn Đạt Hải và cháu nội Kiệt Thư, về sau lại phục hồi là Lễ, và những người thừa kế được xếp vào hàng cao hơn trong các lễ kỉ niệm của triều đình so với bất kỳ Hoàng thân nào khác.

Người con trai cả của ông là Nhạc Thác, được ban tước hiệu "Khắc Cần Quận vương" (克勤郡王) và người con trai thứ ba, Tát Cáp Lân được phong tước "Dĩnh Thân vương" (穎親王). Con trai của Tát Cáp Lân là Lặc Khắc Đức Hồn được phong là "Thuận Thừa Quận vương" (順承郡王) vào năm 1648. Người con trai thứ tư của Đại Thiện, Ngõa Khắc Đạt, là "Khiêm Quận vương" (謙郡王). Ngõa Khắc Đạt được ban thụy hiệu là Tương (襄), song không có quyền kế tục vĩnh viễn.